Ẩm thực miền Bắc
Đặc sản Sapa – Khám phá nét ẩm thực độc đáo của vùng núi cao
Đặc sản Sapa gồm những món ăn mang lại trải nghiệm mới lạ đối với thực khách. Mỗi món ăn tại đây đa số đều đến từ những dân tộc...
Ẩm thực miền Trung
Khám phá cách làm bánh bèo miền Trung đơn giản và ngon miệng
Cách làm bánh bèo miền Trung không chỉ đơn thuần là một quy trình chế biến món ăn, mà đây còn là một hành trình giúp bạn khám phá văn...
Ẩm thực miền Nam
Bún riêu miền Nam – Hương vị thơm ngon, đậm đà của Nam Bộ
Bún riêu miền Nam là một trong những món ăn không quá xa lạ với người dân địa phương cũng như thực khách mỗi khi du lịch đến đây. Nước...
Món ngon mỗi ngày
Ẩm thực Việt Nam – Tinh hoa văn hoá từ ba miền đất nước
Ẩm thực Việt Nam không chỉ đơn giản là một món ăn mà chúng còn là sự hòa quyện tuyệt vời giữa hương vị và nét đặc trưng văn hoá của mỗi vùng miền. Mỗi món ăn ngoài việc mang lại trải nghiệm ẩm thực thú vị chúng còn chứa đựng những câu chuyện về quê hương, gia đình và truyền thống trong đó.
Đặc điểm của ẩm thực Việt Nam
Việt Nam là một nước nông nghiệp thuộc đới khí hậu nhiệt đới, vùng nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra, lãnh thổ nước Việt Nam chia làm 3 miền rõ rệt là Bắc, Trung và Nam nên đặc điểm mỗi vùng cũng có phần khác nhau. Chính điều này đã làm nên sự đa dạng trong văn hoá ẩm thực Việt Nam. Dưới đây là một số đặc điểm chung nổi bật của ẩm thực mảnh đất hình chữ “S” này.
- Việt Nam thuộc nền văn minh lúa nước nên rất nhiều món ăn và nguyên liệu có nguồn gốc từ lúa gạo. Điểm này đã tạo nên sự khác biệt với các nước dùng lúa mì, lúa mạch hoặc ngũ cốc làm nguyên liệu chính.
- Văn hoá ẩm thực Việt Nam sử dụng rất nhiều loại rau chế biến đa dạng như luộc, xào, ăn sống, muối dưa,… cùng nhiều loại canh khác nhau, đặc biệt là canh chua.
- Các loại thịt như thịt lợn, bò, gà hay vịt,… và các loại tôm, cá, cua, ốc, hến,… thường được dùng phổ biến để chế biến thành món ăn. Ngược lại, Việt Nam ít dùng thịt dê, thịt trâu và các loại thịt khác như ba ba, rùa, rắn,… vào chế biến món ăn hàng ngày.
- Một số người theo đạo Phật thường sẽ lựa chọn một số món ăn chay hoặc theo mục đích khác được chế biến từ các loại thực vật, không có nguồn gốc từ động vật.
- Ẩm thực Việt Nam thường chú trọng vào yếu tố ăn ngon hơn ăn bổ. Do đó, hệ thống ẩm thực Việt thường ít có những món cầu kỳ, hầm nhừ ninh kỹ như ẩm thực Trung Hoa hay không có tính thẩm mỹ cao như ẩm thực Nhật Bản. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, nét ẩm thực người Việt cũng trở nên phong phú, ấn tượng và bổ dưỡng hơn rất nhiều.
Nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam
Ẩm thực Việt Nam mang 9 đặc trưng nổi bật sau đây, chính những điểm này đã tạo nên sự khác biệt và ấn tượng trong văn hoá ẩm thực nước ta với bạn bè trên thế giới.
- Tính đa dạng: Món ăn Việt Nam luôn có sự đa dạng trong chế biến bởi chúng dễ dàng tiếp thu các công thức từ nhiều nơi khác, từ đó chế biến theo cách riêng của mình. Đây chính là điểm nổi bật của ẩm thực trải dọc 3 miền tổ quốc.
- Tính ít mỡ: Ẩm thực Việt thường được làm từ các nguyên liệu chính như rau, củ, quả và chế biến theo nhiều cách khác nhau như luộc, hấp, kho hoặc nào nhanh với ít dầu. Điều này vừa giúp món ăn giữ được hương vị tự nhiên, đảm bảo độ tươi ngon song cũng rất tốt cho sức khỏe.
- Tính đậm đà hương vị: Trong quá trình chế biến món ăn, người đầu bếp thường sử dụng nước mắm, bột canh hoặc nhiều gia vị khác nêm lại để tạo độ đậm đà trong từng món. Mỗi món ăn đều có nước chấm tương ứng để phù hợp với hương vị của chúng nhất.
- Hòa quyện nhiều chất, nhiều vị: Các món ăn của người Việt thường bao gồm rất nhiều loại thực phẩm như cua, tôm, thịt,… chế biến với các loại rau, đậu, gạo phù hợp. Ngoài ra, người nấu còn pha trộn thêm các vị cay, mặn, ngọt, chua, bùi béo,… để tạo nên một món ăn thơm ngon và hấp dẫn nhất.
- Tính ngon và lành: Món ăn Việt Nam được chế biến từ các nguyên liệu tươi sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Không chỉ có vậy, người Việt còn rất chú trọng đến sự cân bằng về dinh dưỡng giữa các thành phần như thịt, cá, rau, củ để đảm bảo có một bữa ăn ngon và tốt nhất cho sức khỏe.
- Dùng đũa khi thưởng thức: Dũng đũa à nét đặc trưng trong văn hoá ẩm thực của người Việt từ xưa đến nay. Người dùng có thể dùng đũa để chế biến nhiều món ăn, gắp đồ ăn thưởng thức và đôi đũa luôn có mặt trong mọi bữa cơm gia đình Việt. Đũa còn là biểu tượng của văn hoá, sự gắn kết của người Việt với những giá trị truyền thống và lối sống.
- Tính cộng đồng: Bữa cơm gia đình Việt thường có đầy đủ các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau. Mọi người thường cùng nhau chia sẻ, thưởng thức để tạo sự gần gũi, gắn kết và tình cảm. Đặc biệt, tính cộng đồng của ẩm thực Việt còn thể hiện qua bát nước chấm chung trong mâm của của mỗi gia đình.
- Tính hiếu khách: Trước mỗi bữa cơm của người Việt thường có thói quen mời cơm. Lời mời chính là thể hiện sự giao tiếp, tình cảm và bảy tỏ sự hiếu khách của gia chủ và khách mời.
- Tính dọn thành mâm: Người Việt thường dọn nhiều món thành mâm cơm trong một bữa ăn để thưởng thức cùng một lúc. Điều này giúp mọi người cùng thưởng thức và tạo ra không gian ăn uống ấm cúng.
Đặc điểm văn hóa ẩm thực Việt Nam theo vùng miền
Văn hoá ẩm thực Việt Nam luôn có sự đa dạng, phong phú được chia theo ba miền Bắc, Trung, Nam với những đặc trưng riêng về hương vị, nguyên liệu cũng như cách chế biến.
Ẩm thực miền Bắc
Đối với những món ăn ở miền Bắc thường có khẩu vị mặn mà, đậm đà và không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng những vùng khác. Người dân miền Bắc thường chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm để làm nước chấm.
Do truyền thống từ xa xưa có nền nông nghiệp nghèo nàn nên ẩm thực miền Bắc trước kia ít khi chế biến món ăn với nguyên liệu chính từ thịt, cá. Vì thế họ thường sử dụng nhiều món rau và các loại thuỷ sản nước ngọt như tôm, cua, trai, hến,…
Ẩm thực miền Trung
Ẩm thực miền Trung khiến nhiều người phải xuýt xoa với vị cay nồng trong từng món ăn. Đa số các món ăn thường có vị cay và mặn hơn so với đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc phối trộn cùng phong phú, rực rỡ hơn và thường thiên về màu đỏ hoặc nâu sậm.
Do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực vua chúa thời xa xưa nên cách chế biến các món ăn miền Trung cũng có phần cầu kỳ hơn đáng kể. Mặc khác, một số địa phương không có nhiều sản vật mà ẩm thực vua chúa đòi hỏi số lượng món lớn nên mỗi loại nguyên liệu được chế biến đa dạng hơn rất nhiều.
Ẩm thực miền Nam
Ẩm thực miền Nam là nơi chịu nhiều ảnh hưởng của ẩm thực Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia nên hương vị món ăn thiên về chua ngọt là nhiều. Đặc biệt, khi nấu ăn người đầu bếp thường cho thêm đường hoặc sữa dừa vào trong các món ăn. Nền ẩm thực tại đây cũng sản sinh ra rất nhiều loại mắm khô vfa thường sử dụng đồ hải sản nước mặn, nước lợ làm nguyên liệu chính.
Ẩm thực các dân tộc
Việt Nam có 54 dân tộc anh em nằm tại nhiều vùng địa lý khác nhau, chính điều này đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong văn hoá ẩm thực. Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng cùng những món ăn đặc sắc, mới lạ và không kém phần hấp dẫn thực khách. Ví dụ như bánh cuốn trứng tại Cao Bằng, Lạng Sơn, bánh coóng phù của dân tộc Tày, thắng cố tại Sơn La,…
Ẩm thực Việt Nam theo từng phong cách
Không chỉ có sự khác biệt về món ăn từng vùng miền, dân tộc. Ẩm thực Việt Nam còn rất đa dạng về cách chế biến, bày trí theo từng phong cách.
Bữa cơm nhà
Vào bữa sáng, người Việt thường lựa chọn những món ăn nhanh, không quá cầu kỳ như bánh mì, xôi, cháo, bún phở,… Một bữa ăn chính thường đầy đủ các thành viên trong gia đình, do đó chúng sẽ diễn ra vào buổi trưa và buổi tối.
Bữa ăn chính của người Việt ba gồm cơm là lương thực chính, sau đó có từ ba đến năm món ăn tùy theo điều kiện kinh tế mỗi gia đình nhưng sẽ cần đảm bảo có đầy đủ rau, thịt để có sự cân bằng về dinh dưỡng nhất. Hiện nay, đời sống ngày càng được nâng cao nên cơ cấu bữa ăn chính của người Việt cũng đã cải thiện hơn rất nhiều.
Cỗ bàn (cúng tổ tiên/ cỗ Tết)
Cỗ bàn trong văn hoá ẩm thực Việt Nam thường sử dụng rất nhiều món ăn trong đó các món mặn thường dùng nguyên liệu động vật để chế biến, loại trừ các món ăn ngày thường như rau luộc, dưa cà,…
Đối với mâm cỗ cúng tổ tiên thường sử dụng xôi đậu xanh, xôi gấc, gà luộc nguyên con hoặc chân giò để đặt trên mâm. Còn cúng người mới mất chỉ cần đĩa xôi trắng và một quả trứng luộc.
Đối với mâm cỗ ngày Tết sẽ có phần cầu kỳ hơn. Trên mâm gồm có 5 bát là bát bóng, miến, măng, mọc, gà hoặc chim và 5 đĩa là đĩa giò, chả, gà hoặc vịt luộc, nộm và xào. Ngày nay, mâm cỗ Tết đã được đơn giản hoá và chú trọng “chơi” hơn “ăn”.
Dưới đây là một số món ăn đặc trưng của từng vùng miền trong mâm cơm cỗ bàn.
Miền Bắc | Miền Trung | Miền Nam |
Bánh chưng | Bánh tét | Bánh tét |
Xôi | Dưa món (củ kiệu hoặc củ hành) | Thịt kho hột vịt |
Gà luộc | Nem chua | Canh khổ qua nhồi thịt |
Nem rán | Chả lụa | Chả giò |
Thịt đông | Thịt ngâm nước mắm | Dưa giá, kiệu muối |
Rau xào thập cẩm | Canh giò heo hầm | Gà xé phay |
Rau thơm, dưa muối | Gỏi gà xé phay | Vịt nấu chao |
Giò lụa | Gà tiềm | Thịt nguội, chả lụa |
Chân giò ninh măng, nấm hương | – | Các món gỏi |
Canh miến lòng gà | – | Củ cải bỏ mắm |
Canh bóng | – | Thịt bò bảy món |
Ẩm thực Việt Nam trong cưới hỏi
Đối với đám hỏi, mâm cỗ thường sử dụng lợn sữa quay nguyên con hoặc gà luộc đặt trên mâm xôi, thường sẽ là xôi gấc và bánh phu thê, bánh cốm, mứt sen, chè, rượu và trầu cau. Lễ vật sẽ được làm theo số lượng chẵn và đặt trên các mâm hoặc tráp theo số lẻ.
Trong tiệc cưới có thực đơn tương tự các bữa tiệc khác tuỳ theo chủ nhà đặt. Thông thường, thực đơn có khoảng 10 món với một món khai vị, một món cơm, một món xôi, một món canh, một món cá, hai món thịt, một món rau xào nấu và một món nộm, cuối cùng là tráng miệng.
TOP những món ăn mang đậm bản sắc ẩm thực Việt Nam
Dưới đây là top các món ăn mang đậm bản sắc đại diện cho sự phong phú, truyền thống lâu đời của nền ẩm thực Việt Nam.
- Phở: Phở là một trong những món ăn mang quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt Nam. Nguyên liệu của món ăn cũng rất đơn giản gồm nước dùng đậm đà, bánh phở tươi, thịt gà hoặc thịt bò và thêm một chút rau thơm ăn kèm.
- Bánh mì: Bánh mì Việt Nam đã vươn tầm quốc tế và được bạn bè năm châu vô cùng yêu thích. Lớp vỏ bánh giòn rụm, nhân bên trong có thể là pate, thịt nguội, xá xíu, trứng kết hợp hoàn hảo với rau thơm, nước sốt đã tạo nên một món ăn đơn giản, hấp dẫn.
- Bánh chưng/ bánh tét: Đây là hai loại bánh truyền thống trong văn hoá ẩm thực của người Việt. Chúng không chỉ thơm ngon hấp dẫn mà mang đậm giá trị tinh thần, lịch sử sâu sắc.
- Cao lầu: Cao lầu là sự kết hợp hoàn hảo của ẩm thực từ nhiều nước khác. Sợi mì tương tự udon của Nhật Bản, bánh vằn thắn giòn cùng thịt heo khiến người ăn liên tưởng đến món ăn Trung Quốc. Tuy nhiên, nước dùng và rau thơm đậm chất Việt Nam.
- Bún bò Huế: Đây là một món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Trung. Một tô bún bò Huế gồm có sợi bún trơn, dày cùng nước dùng đậm đà với nhiều thịt bò, thịt lợn đã khiến người dùng ăn xong phải nhớ mãi.
- Gỏi cuốn: Gỏi cuốn không chỉ là món ăn ngon đơn giản mà chúng còn là biểu tượng của ẩm thực Việt Nam. Món gói có thể làm từ nhiều nguyên liệu thịt, tôm ăn cuốn cùng rau sống và ăn kèm nước chấm tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn.
- Bún chả: Bún chả bao gồm hai thành phần chính là bún và chả nướng ăn kèm nước chấm đặc trưng. Đây cũng là một trong những món ăn truyền thống độc đáo, khó quên của người Việt.
- Chả cá: Chả cá là món ăn không thể bỏ lỡ khi đến Hà Nội. Những miếng chả cá tàn vàng giòn được ướp đậm đà gia vị, sau đó ăn cùng bún, thì là và mắm tôm xào nóng hổi trên chảo nóng đã khiến thực khách nhớ mãi.
- Cơm tấm: Cơm tấm là một biểu tượng ẩm thực của miền Nam Việt Nam. Món ăn gồm có cơm trắng, sườn nướng, chả trứng và bì lợn ăn cùng nước mắm đặc trưng đã tạo nên một suất cơm tấm Sài Gòn thơm ngon, hấp dẫn.
- Nem rán: Nem rán hay còn gọi là ram nướng ở miền Trung, chả giò ở miền Nam là một trong những món ăn truyền thống của người Việt. Chúng thường xuất hiện trong các mâm cơm cúng ngày lễ tết, cúng bái gia tiên.
Ẩm thực Việt Nam thể hiện văn hóa tinh thần của con người
Xét trên khía cạnh văn hoá tinh thần của người Việt, ẩm thực chính là yếu tố thể hiện nét đẹp trong văn hoá giao tiếp, cách cư xử giữa con người với con người trong bữa ăn, làm vui lòng nhau qua thái độ ứng xử. Đặc biệt, đã có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói đến ẩm thực văn hoá Việt Nam.
- Trong gia đình: Trong bữa ăn gia đình, khi ngồi chung mâm, các món ăn ngon được ưu tiên cho người lớn tuổi trước rồi đến trẻ nhỏ chính là thể hiện sự “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng, tình cảm yêu thương. Bữa cơm cũng là yếu tố giúp mọi người gắn kết gần nhau hơn, quây quần và chia sẻ sau một ngày làm việc mệt mỏi.
- Ngoài xã hội: Việc mời khách đến nhà chính là thể hiện sự giao tiếp giữa người với người trong xã hội. Khi có dịp tổ chức mời khách đến nhà, gia chủ thường làm những món ăn ngon, nấu thật nhiều và thịnh soạn để đãi khách. Đặc biệt, chủ nhà sẽ gắp thức ăn mời khách trước và có lời mời ăn thêm khi khách dừng bữa.
Ẩm thực Việt Nam không chỉ đơn thuần là những món ăn ngon mà còn là hành trình khám phá văn hóa, lịch sử và con người nơi đây. Qua mỗi món ăn, người Việt luôn gửi đến niềm tự hào về giá trị truyền thống, tình yêu quê hương đất nước của chính mình. Mỗi món ăn là một nét đẹp riêng về từng dân tộc, vùng miền trên mảnh đất hình chữ “S” tươi đẹp.